call
HƯỚNG DẪN LẮP GHÉP VÀ CĂN CHỈNH MỘT DÀN KARAOKE GIA ĐÌNH ĐƠN GIẢN
15th April, 2017 9:40

Hát karaoke ngày nay đã trở thành một xu hướng rất thịnh hành không chỉ ở Việt Nam mà còn rất nhiều quốc gia khác trên thế giới. Rất nhiều gia đình yêu ca hát không ngại bỏ ra một khoản tiền để đầu tư cho một dàn karaoke gia đình hiện đại và chuyên nghiệp, tuy nhiên, không ít người gặp khó khăn khi sử dụng dàn âm thanh của mình, do vậy mà âm thanh phát ra không được hay và chất lượng tương xứng với số tiền bỏ ra. Trong bài viết này, Trường Ca Audio sẽ hướng dẫn bạn lắp ghép và căn chỉnh dàn karaoke gia đình đúng cách và đơn giản nhất!

I. Hướng dẫn lắp ghép dàn karaoke gia đình đơn giản

Hầu hết các phòng hát karaoke gia đình đều có diện tích trong khoảng từ 15 đến 25 m2, do đó bạn không chỉ phải biết cách phối ghép mà còn phải biết bố trí và sắp xếp các thiết bị sao cho tiết kiệm diện tích nhất mà vẫn đảm bảo chất lượng âm thanh. Hai lưu ý mà bạn luôn phải ghi nhớ để phối ghép các thiết bị trong dàn karaoke được thuận lợi, các thiết bị luôn vận hành ăn ý, không xảy ra chập cháy là:

- Công suất amply lớn hơn hoặc bằng hai lần tổng công suất loa.

- Trở kháng của amply nhỏ hơn tổng trở kháng của loa.

1. Bố trí phòng hát karaoke

Để lắp ghép một dàn âm thanh gia đình hoàn chỉnh và nhanh nhất, việc đầu tiên bạn cần làm là tính toán và bố trí các thiết bị trong phòng sao cho hợp lý nhất, bao gồm: treo loa và sắp xếp vị trí các thiết bị.

Treo loa karaoke:

huong-dan-treo-loa-karaoke

Loa karaoke cần được treo cao hơn từ 2,5 đến 2,8m so với mặt sàn để đảm bảo âm thanh dễ dàng lan tỏa đều khắp phòng và truyền đến tai người nghe một cách tự nhiên và hay nhất. Đồng thời, trong quá trình hoạt động liên tục với công suất cao, loa sinh ra nhiệt lượng và nóng lên, treo loa ở chiều cao này sẽ giúp nhiệt lượng được tỏa đi nhanh hơn, giữ cho loa luôn vận hành ổn định, không sợ bị nóng máy, cháy máy, đảm bảo an toàn cho người dùng. Khoảng cách giữa hai loa là từ 3 đến 5m, tùy theo diện tích của phòng hát và theo công suất của lớn/nhỏ của loa. Không để hai loa quay vào nhau vì sẽ gây ra hiện tượng triệt âm, âm thanh từ hai loa sẽ loại trừ lẫn nhau làm cho tiếng phát ra không được vang vọng và không truyền được đến tất cả các vị trí trong phòng hát.

Lưu ý: bạn có thể treo loa bằng cách dùng giá đỡ từ dưới lên hoặc giá treo từ trên xuống, tuy nhiên, hãy đảm bảo giá được treo chắc chắn trên tường để giữ loa treo luôn an toàn và cố định tại đúng vị trí đã xác định trước.

Sắp xếp đầu karaoke và amply karaoke:

Sau khi treo loa karaoke, việc tiếp theo là chọn và sắp xếp vị trí của đầu karaoke, amply karaoke và đầu thu (nếu có).

sap-xep-dau-karaoke-va-amply-karaoke

Thông thường, chúng ta sẽ đặt amply và đầu karaoke trên kệ, amply đặt dưới đầu, nếu bạn sử dụng micro không dây thì sẽ có thêm đầu thu đặt trên đầu karaoke, nên tính toán và căn chình sao cho có khoảng cách giữa các thiết bị và từ các thiết bị đến kệ và tạo được không gian thoáng xung quanh mỗi thiết bị trong dàn để tránh hiện tượng máy hoạt động liên tục bị nóng máy mà không thể truyền nhiệt lượng ra ngoài kịp thời, dễ dẫn đến hư hỏng.

Cuối cùng là loa sub. Loa sub không phải là thiết bị bắt buộc phải có trong dàn karaoke gia đình cơ bản, tuy nhiên, để có một dàn âm thanh thực sự chất lượng, rất nhiều người ngày nay không ngại mua thêm một chiếc loa sub để tạo ra âm thanh hoàn hảo nhất! Loa sub có thể đặt ở bất cứ đâu trong phòng hát mà không lo ảnh hưởng đến chất lượng âm phát ra, tuy nhiên, chúng tôi khuyên bạn nên đặt ở khoảng cách gần amply karaoke nhất có thể để tiết kiệm dây dẫn và tránh gây vướng víu cho người dùng.

2. Kết nối các thiết bị trong dàn

Trước khi kết nối các thiết bị trong dàn âm thanh, bạn nên lưu ý điện áp sử dụng được ghi cụ thể trên mỗi thiết bị để chọn được điện áp phù hợp nhất, thường sẽ có hai mức điện áp thông dụng là 100V và 220V. Dây kết nối giữa amply và bộ phận khác trong dàn cũng nên lựa chọn kĩ lưỡng để vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, vừa có độ bền cao, kết nối chắc chắn, tín hiệu truyền đi nhanh và đều nhất, không nên quá tiết kiệm dây sẽ dẫn đến dễ bị tuột kết nối khi dàn đang hoạt động, cũng không nên lãng phí dây dẫn sẽ gây vướng víu cho mọi người khi di chuyển trong phòng.

Sau khi ngắt tất cả các nguồn điện, chúng ta sẽ lần lượt kết nối các thiết bị trong dàn karaoke theo thứ tự như sau:

Kết nối micro:

ket-noi-micro

Cắm jack micro vào các vị trí Micro 1, Micro 2 (đối với micro có dây) trên amply hoặc kết nối đầu thu (nếu sử dụng micro không dây) với amply karaoke.

Kết nối amply với các thiết bị trong dàn:

Sử dụng các loại dây dẫn tín hiệu có sẵn để thiết lập các kết nối từ amply tới các thiết bị khác trong dàn karaoke:

ket-noi-amply-karaoke

+ Từ Line out của đầu karaoke đến Line in của amply

+ Từ Line out của amply đến Line in của loa karaoke và Line in của loa Sub (nếu có).

+ Để kết nối hình ảnh từ đầu karaoke ra màn hình, chúng ta có thể chọn hai dạng kênh khác nhau: HDMI hoặc AV, trong đó, HDMI thường được sử dụng nhiều hơn vì cho chất lượng hình ảnh và màu sắc nét hơn, đẹp hơn so với AV.

II. Hướng dẫn căn chỉnh cơ bản cho dàn karaoke gia đình

Để tiến hành căn chình dàn karaoke sau khi đã lắp đặt và kết nối các thiết bị, việc đầu tiên bạn cần làm là vặn Volume của tất cả các thiết bị về 0, sau đó bật nguồn điện kết nối với dàn.

chinh-dan-karaoke-gia-dinh

Để điều chỉnh âm thanh, bạn chỉ cần nói lặp đi lặp lại “Alo” hoặc đếm “1, 2, 3…” và nghe xem âm thanh đã đủ to chưa, nếu chưa thì tăng dần âm lượng lên mức mình mong muốn. Sử dụng các núm trong hàng Echo và Bass để điều chỉnh độ vang, độ nhại, luyến láy hoặc độ trầm, chắc của âm thanh. Vặn các núm “Hi” và “Mid” về vị trí trong khoảng 9h đến 10 để tránh những tiếng rú rít ồn ào, khó chịu.

Cuối cùng, sau khi đã chỉnh được tiếng micro ưng ý, bạn bật thử một bài karaoke lên hát để điều chỉnh âm lượng micro so với tiếng nhạc, trừ khi muốn có hiệu ứng âm thanh cực xung, kích thích sự hào hứng của mọi người thì để tăng tiếng nhạc lên, còn thông thường, trong khi hát, chúng ta sẽ để tiếng nhạc không to quá tiếng micro để đảm bảo nghe được tiếng hát hay và rõ ràng hơn.

Trên đây, Trường Ca Audio đã hướng dẫn bạn cách lắp ghép và chỉnh sửa một dàn karaoke gia đình cơ bản nhất, ngoài ra, trong quá trình sử dụng có thể sẽ phát sinh những tình huống mà bạn không biết phải xử lý như thế nào, nếu bạn gặp phải trường hợp đó thì đừng ngại, hãy liên hệ ngay với chúng tôi hoặc mang trực tiếp sản phẩm đến showroom của Trường Ca để được hướng dẫn chi tiết và cụ thể hơn.

 

Trường Ca Audio - Hệ Thống Đại Lý Phân Phối Thiết Bị Âm Thanh Chính Hãng Lớn Nhất Việt Nam

15th April, 2017 9:40